NHỮNG THAY ĐỔI VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ TNDN TRONG NĂM 2016.
Ngày đăng: 2/29/2016 11:21:01 AM
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ là biện pháp giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay tuy nhiên nó tạo động lực, niềm tin cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, nhằm khuyến khích đầu tư trong điều kiện toàn cầu hóa.

 Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 đã nêu rõ điều chỉnh giảm mức thuế suất chung thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cụ thể :

      Lộ trình giảm thuế suất thuế TNDN :

      Bắt đầu từ năm 2014, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông giảm từ 25% xuống còn 22%.

      Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam( kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp dụng mức thuế suất 20%.

      Như vậy mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 được xác định như sau :

      - Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 20 tỷ đồng trở xuống thì áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%

      - Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trên 20 tỷ đồng thì áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%

      Kể từ ngày 01/01/2016 trường hợp áp dụng mức thuế suất 22% sẽ chuyển sang áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

      Kể từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông chỉ còn một mức là 20% áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp không kể mức doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu. Các doanh nghiệp có dự án hưởng thuế suất ưu đãi 20% sẽ được hưởng thuế suất 17%.

      Có thể nói việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay chính là một biện pháp hỗ trợ tạo ra niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy doanh nghiệp tồn tại và phát triển cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh. Quy mô sản xuất tăng, doanh thu tăng thì tiền thuế sẽ tăng. Thực tế đây cũng chính là một biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu của Nhà nước.

      Ngoài ra, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động kêu gọi các luồng đầu tư đến Việt Nam, đồng thời khuyến khích đầu tư trong nước vào các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các nghành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao,có giá trị lớn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhất là trong thời kỳ Việt Nam đang dần hội nhập kinh tế quốc tế.

      Đối với người dân, việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khuyến khích các Doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh, đầu tư vào các vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo vấn đề anh sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

      Nhìn chung việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chính là một biện pháp cần thiết,  hợp lý của nhà nước, tác động tích cực đến toàn bộ các thành phần kinh tế trong xã hội, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, góp phần ổn định cuộc sống của người dân.

      Bên cạnh việc giảm thuế suất thuế TNDN, Nhà nước còn phải kể đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định khác liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật số 71/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014 và Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/08/2015 đã thể hiện rõ điều này.

      Điểm nổi bật trong Luật số 71/2014/QH13 và Thông tư 96/2015/TT-BTC là việc bãi bỏ các mức khống chế tại các khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể :

      1. Từ ngày 01/01/2015 chính thức dỡ bỏ trần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh 15% cho doanh nghiệp.

      2.  Bổ sung các tài sản cố định của doanh nghiệp phục vụ cho người lao động và để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp; cơ sở vật chất, máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

      3. Bỏ mức khống chế đối với trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cho người lao động bằng hiện vật, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

      4. Bỏ mức khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán.

      5. Quy định về chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp :

      - Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

      Bổ sung hướng dẫn chi tài trợ cho giáo dục bao gồm cả chi tài trợ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu không đúng đối tượng quy định hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

      Bổ sung một số khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế được tính vào chi phí được trừ như sau:

      - Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:

+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.

+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp

+ Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động).

      Có thể nói, việc gỡ bỏ một số khoản khống chế đối với phần chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đã giải quyết những nút thắt của không ít các doanh nghiệp , tạo quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong mọi quyết định về chi phí kinh doanh của mình. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp trong việc tích tụ vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

      Song song với việc từng bước giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm các khoản chi phí được trừ, áp dụng chính sách ưu đãi thuế thì Nhà nước còn tăng cường công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính thuế như : đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế để giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp , đồng thời rà soát để giảm thiểu thủ tục hành chính mà người nộp thuế phải thực hiện. Điều này cũng góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh góp phần cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

      Nhìn chung lại việc cải cách chính sách thuế của Nhà nước trong thời gian vừa qua có tác động khá tích cực tới mọi thành phần kinh tế trong xã hội và đóng vai trò then chốt trong việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ảnh hưởng to lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội. Trong nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới thì rõ ràng việc cải cách, hoàn thiện chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng là điều rất cần thiết.

PHẠM HẰNG

 

 
TIN LIÊN QUAN