Điểm mới trong hạch toán các khoản thu – chi hoạt động do NSNN cấp tại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo Thông tư số 107/2017
Ngày 10/10/2017 Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư 107/2017/TT – BTC (thông tư 107) hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Thông tư này là một bước thay đổi lớn trong chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp để phù hợp với luật Ngân sách Nhà nước 2015 và cơ chế tự chủ ngày càng cao của các đơn vị hành chính, sự nghiệp theo quy định tại Nghị định 16/2015.
Thông tư 107 áp dụng với cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo khoản 1 điều 24 Nghị định 16/2015/NĐ – CP quy định chế độ tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số điểm thay đổi quan trọng trong thông tư 107 về việc theo dõi, hạch toán số thu hoạt động do NSNN cấp và các khoản chi hoạt động từ nguồn ngân sách:
Thứ nhất, về tài khoản sử dụng:
Theo thông tư 107, số thu hoạt động do NSNN cấp được phản ánh trên tài khoản (TK) 511 – Thu hoạt động do NSNN cấp, TK 337 – Tạm thu (trong trường hợp tạm ứng kinh phí hoạt động từ ngân sách) và các khoản chi hoạt động từ nguồn ngân sách phản ánh trên TK 611 – Chi phí hoạt động. Khác với quyết định 19/2006/QĐ – BTC trước đây phản ánh trên TK 461 – Nguồn kinh phí hoạt động và TK 661 – Chi hoạt động.
Thứ hai, về tài khoản chi tiết:
Theo quyết định 19/2006/QĐ – BTC, tài khoản 461 và tài khoản 661 được chi tiết thành ba tài khoản cấp 2 phản ánh nguồn và chi của năm trước, năm nay và năm sau. Tuy nhiên tại thông tư 107, TK 511 và TK 611 không chi tiết ra như vậy mà việc phản ánh số dự toán chi hoạt động được cấp có thẩm quyền giao và việc rút dự toán chi hoạt động ra sử dụng được theo dõi ở TK ngoài bảng 008 – Dự toán chi hoạt động và chỉ chi tiết theo năm trước và năm nay (không có năm sau), phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Thứ ba, hướng dẫn hạch toán một số nghiệp vụ chủ yếu:
- Nghiệp vụ 1: Rút tạm ứng dự toán
Khi rút tạm ứng dự toán về quỹ tiền mặt
Nợ TK 111-Tiền mặt
Có TK 337- Tạm thu (3371).
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (008211, 008221).
Trường hợp ngân sách cấp bằng Lệnh chi tiền vào TK tiền gửi dự toán của đơn vị, ghi:
Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc
Có TK 337- Tạm thu (3371).
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu được cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi), hoặc
Nợ TK 013- Lệnh chi tiền tạm ứng (nếu được cấp bằng Lệnh chi tiền tạm ứng).
Các khoản chi từ quỹ tiền mặt hoặc TK tiền gửi của ngân sách mà trước đó đơn vị đã tạm ứng, ghi:
Nợ các TK 141, 331, 332, 611...
Có các TK 111, 112.
Đồng thời, ghi:
Có TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu chi từ nguồn NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi).
Khi đủ điều kiện thanh toán, kết chuyển từ TK tạm thu sang TK thu hoạt động do NSNN cấp tương ứng với số đã thanh toán, ghi:
Nợ TK 337- Tạm thu (3371)
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Đối với các khoản chi từ nguồn NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền tạm ứng, khi làm thủ tục thanh toán tạm ứng, ghi:
Có TK 013- Lệnh chi tiền tạm ứng (chi tiết TK tương ứng).
- Nghiệp vụ 2: Rút dự toán thực chi
Rút dự toán thanh toán các khoản phải trả, chi trực tiếp cho hoạt động của đơn vị ghi:
Nợ các TK 331, 332, 334, 611...
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (chi tiết TK tương ứng).
Rút dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng để trả lương cho người lao động trong đơn vị, ghi:
Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (chi tiết TK tương ứng).
Phản ánh số phải trả về tiền lương, tiền công, phụ cấp phải trả cho người lao động, ghi:
Nợ các TK 611- Chi phí hoạt động
Có TK 334- Phải trả người lao động.
Khi có xác nhận của Ngân hàng phục vụ về số tiền lương và các khoản thu nhập khác đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của từng người lao động trong đơn vị, ghi:
Nợ TK 334- Phải trả người lao động
Có TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc (chi tiết tiền gửi Ngân hàng).
Hàng tháng trích BHXH, BHYT, KPCĐ, BH thất nghiệp tính vào chi hoạt động, ghi:
Nợ TK 611- Chi phí hoạt động
Có TK 332- Các khoản phải nộp theo lương.
Khi thanh toán tiền đóng BHXH, BHYT, KPCĐ, BH thất nghiệp, ghi:
Nợ TK 332- Các khoản phải nộp theo lương
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, hoặc
Đồng thời, ghi:
Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (nếu rút dự toán)
Tính hao mòn TSCĐ được hình thành bằng nguồn NSNN cấp, dùng cho hoạt động hành chính, ghi:
Nợ TK 611- Chi phí hoạt động
Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.
Căn cứ Bảng tính hao mòn TSCĐ hình thành bằng nguồn NSNN cấp đã tính trong năm để kết chuyển, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611)
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Căn cứ vào giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua sắm bằng nguồn NSNN đã xuất sử dụng cho hoạt động hành chính trong năm, kết chuyển, ghi:
Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36612)
Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.
Cuối năm
Kết chuyển các khoản thu do NSNN cấp vào TK xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp
Có TK 911- Xác định kết quả (9111).
Kết chuyển chi phí hoạt động do NSNN cấp vào TK xác định kết quả, ghi:
Nợ TK 911- Xác định kết quả (9111)
Có TK 611- Chi phí hoạt động.
P.N.D