Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Ngày đăng: 8/30/2017 9:58:02 AM
Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

   Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tập trung tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu…”.

   Để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2017, Chính phủ tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

   Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XIV thông qua Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) nhằm thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 về tài sản công.

   Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các Nghị định, Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật. Rà soát các văn bản nhằm cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, có kiểm soát và bảo đảm công khai, minh bạch.

   Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác. Việc mua sắm mới xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để, tiết kiệm. Nhân rộng mô hình mua sắm TSNN theo phương thức tập trung có hiệu quả trong phạm vi cả nước như một số Bộ, địa phương (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam...). Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc công bố danh mục mua sắm tập trung và tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm tập trung theo quy định.

   Kiên quyết xử lý xe ô tô dôi dư sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại theo quy định  tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi cả nước theo hướng: Chuyển từ xe ô tô phục vụ công tác chung sang xe ô tô chuyên dùng nếu phù hợp về chủng loại và còn thiếu xe ô tô chuyên dùng theo định mức được duyệt; điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu xe cả trong nội bộ từng bộ, ngành, địa phương, điều chuyển giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm việc bố trí sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng, hạn chế việc phải mua sắm mới; số còn lại thực hiện bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật để thu tiền nộp ngân sách nhà nước. Kiểm tra tình hình chấp hành việc rà soát, sắp xếp xử lý xe ô tô tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

   Đẩy mạnh việc xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định. Sửa đổi cơ chế sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để phù hợp với phân cấp ngân sách theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015 đối với tiền bán tài sản công. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại việc sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế khoán, thuê tài sản phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng phải được xử lý kịp thời, công khai để thu nộp ngân sách nhà nước.

   Tập trung khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên: Đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, xử lý tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản xác lập sở hữu nhà nước và các tài sản khác có quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán đấu giá hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

   Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm từng bước Cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công.

   Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

   Tiếp tục thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý tài sản công tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý./.

Nguồn: Mof.gov.vn


- Nguồn mof.gov.vn -


TIN LIÊN QUAN